Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Thị trường BĐS bán lẻ: Hồi phục rõ nét

Thị trường BĐS bán lẻ: Hồi phục rõ nét
Công ty Hoàng Phúc án ngữ tại nhiều mặt tiền đẹp ở khu trung tâm - Ảnh: Quý Hòa

Thị trường BĐS bán lẻ: Hồi phục rõ nét


Không còn nóng như thời điểm 2007 - 2009 và 2012 - 2013, nhưng giai đoạn này chứng kiến các thương hiệu lớn mở rộng sự hiện diện trên các tuyến phố trung tâm TP.HCM. 
Năm 2015, bất động sản (BĐS) bán lẻ (mặt bằng) phục hồi chủ yếu là các trung tâm thương mại (TTTM), với sự gia tăng nguồn cung từ các khu phức hợp. Trong tương lai gần, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tập trung liệu có chuyển động mạnh ở khu vực trung tâm?
Trong báo cáo thị trường quý II/2015, CBRE Việt Nam nhìn nhận, thị trường bán lẻ đã có sự hồi phục rõ nét sau 3 năm yên ắng. Nguồn cung mặt bằng bán lẻ tăng tại các TTTM thể hiện rõ nét bởi một vài công trình lớn gia nhập thị trường.
Điển hình như trường hợp SC VivoCity, Q.7 (khai trương vào tháng 5/2015, cung cấp 72.000m2 diện tích sàn), hay khối đế thương mại tại tòa nhà Times Square (cung cấp 4.000m2 diện tích sàn, khai trương trong tháng 6/2015) trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Khách thuê của các khối đế thương mại này chủ yếu là các thương hiệu nội thất hạng sang như Cassina, Giorgetti, B&B (Ý)...
Điều đáng nói, trong năm 2015, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tập trung có xu hướng dịch chuyển ra khỏi khu vực lõi trung tâm hiện hữu 930ha.
Hiện tượng này xuất phát từ sự hồi phục và phát triển của thị trường BĐS nhà ở trong năm qua, chủ yếu ở khu Đông và một phần của khu Nam TP.HCM.
Chẳng hạn, trong nửa cuối năm 2015, thị trường đón thêm các công trình phức hợp có TTTM ở khu Đông là Pearl Plaza (Q.Bình Thạnh) và Vincom Megamall (120.000 m2, Q.2 thuộc quần thể Masteri Thảo Điền).
Theo Savills Việt Nam, trong quý IV/2015, thị trường bán lẻ có nguồn cung mới khoảng 84.400m2 từ 5 công trình. Tổng mặt bằng bán lẻ tính đến cuối năm 2015 tại TP.HCM đạt hơn 1 triệu m2, tăng 7% theo quý và 16% theo năm.
Cũng theo đơn vị tư vấn này, giá thuê mặt bằng tại TP.HCM trung bình giảm 6% theo quý và 10% theo năm (công suất cho thuê trung bình của loại hình TTTM và trung tâm bách hóa tăng nhẹ, trong khi khối đế thương mại không đổi, giá thuê dao động từ gần 1 triệu đồng - 1,6 triệu đồng/m2 tùy vào loại hình).
Sự giảm giá này xảy ra do các TTTM mới mở đều nằm ngoài trung tâm, có giá thuê thấp hơn mức bình quân của thị trường. Riêng các loại hình bán lẻ khác, giá vẫn ổn định.
Đại diện Savills Việt Nam chia sẻ thêm, đa phần khách thuê của các TTTM mới thuộc nhóm F&B (Food & Beverage), chiếm hơn 30% diện tích mặt bằng.
"Trong năm 2016, nhiều loại hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế có thể sẽ thúc đẩy mua sắm và tiêu dùng. Điều này sẽ tác động đến nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ”, Savills nhìn nhận.
Theo đánh giá của giới "săn" mặt bằng tại TP.HCM, trong tương lai gần, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tập trung sẽ lại chuyển động mạnh ở khu vực trung tâm bởi nhiều dự án lớn hình thành, như Saigon Centre (giai đoạn 2), Tax Plaza, The One,... mà theo CBRE, khi các công trình này đi vào hoạt động sẽ hình thành nên không gian mua sắm tập trung như phố Sukhumvit (Bangkok) hay đường Orchard (Singapore).




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons